Metaverse là gì? Tại sao các ông lớn và các nhà đầu tư liên tục rót vốn vào thị trường này?

Vào ngày 28.10.2021, công ty Facebook bắt đầu công bố kết quả tài chính của các phòng thí nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường với tư cách là các đơn vị riêng lẻ, nơi đang được đầu tư hàng tỷ đô với mong muốn xây dựng “metaverse” . Facebook cũng tiết lộ rằng mảng kinh doanh quảng cáo chính của công ty không còn phát triển ổn định. Tiếp sau Facebook, vào ngày 2 tháng 11, Microsoft cũng ra thông báo và giới thiệu về Microsoft Mesh- sản phẩm mới nhằm xây dựng không gian làm việc ảo cho các đội nhóm và công ty.
Những động thái này của các ông lớn nhanh chóng tạo nên cơn sốt về Metaverse trên thị trường. Khái niệm metaverse nhanh chóng trở nên phổ biến trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh. Vậy metaverse là gì?
KHÁI NIỆM METAVERSE (VŨ TRỤ ẢO)
Metaverse là một thuật ngữ với nghĩa khá rộng, ám chỉ một môi trường thực tế ảo được chia sẻ mà mọi người có thể truy cập thông qua internet.
Nó cũng có thể được hiểu là không gian kỹ thuật số được hiện thực hoá bởi công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).
Một số người sử dụng khái niệm metaverse để chỉ thế giới trò chơi điện tử, nơi người chơi tạo ra một nhân vật có thể đi lại và tương tác với những người chơi khác.
Ngoài ra còn có một loại metaverse sử dụng công nghệ blockchain để người dùng có thể mua đất ảo và các vật phẩm kỹ thuật số khác bằng tiền điện tử.
Nhiều cuốn sách và bộ phim khoa học viễn tưởng cũng được viết dựa trên metaverse hoàn chỉnh – một dạng thế giới kỹ thuật số hoàn toàn giống hệt với thế giới thực. Tuy nhiên, thuật ngữ này mới chỉ xuất hiện trong khoa học viễn tưởng bởi cho tới điểm hiện tại thì hầu hết các không gian ảo chỉ mang đến cảm giác đang ở trong trò chơi điện tử chứ không phải trải nghiệm thế giới thực.

TẠI SAO METAVERSE LẠI BẮT ĐẦU PHỔ BIẾN?
Các fan của Vũ trũ ảo Metaverse cho rằng metaverse chính là bước phát triển tiếp theo của internet.
Trong cuộc sống đời thường hiện nay, mọi người tương tác với nhau trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin. Mục đích của metaverse là tạo ra không gian ảo để mọi người có thể tương tác với nhau đa chiều hơn, đắm mình vào nội dung kỹ thuật số và trải nghiệm thay vì chỉ nhìn qua màn hình.
Metaverse ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn khi dịch COVID-19 bùng phát. Với số lượng người phải làm việc và học tập từ xa tăng cao, nhu cầu hiện thực hoá các tương tác trực tuyến cũng tăng theo.
CÓ SỨC HÚT LỚN ĐỐI VỚI GIỚI KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ
Nền tảng metaverse thu hút nhiều sự tham gia từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Giám đốc Facebook Mark Zuckerberg hồi tháng 7 cho biết công ty sẽ chuyển đổi từ công ty truyền thông xã hội sang công ty về vũ trụ ảo metaverse trong khoảng 5 năm tới.
Thuật ngữ này cũng đang phổ biến ở Thung lũng Silicon, được Microsoft đề cập đến như một nền tảng tích hợp giữa thế giới kỹ thuật số và thế giới thực.
Theo Microsoft, với khả năng thực tế hỗn hợp của Microsoft Mesh kết hợp với các công cụ năng suất của Microsoft Teams, các thành viên trong team đang sống ở các vị trí địa lý khác nhau có thể cùng tham gia trải nghiệm không gian làm việc ba chiều cũng như tham gia các cuộc họp ảo, trò chuyện trực tuyến, cùng làm việc trên các tài liệu được chia sẻ, và rất nhiều tiện ích khác.
Roblox, một tựa game nổi tiếng dành cho trẻ em, ra mắt trên Sở giao dịch Chứng khoán New York vào tháng 3 vừa rồi cũng mô tả công ty của mình là công ty vũ trụ ảo Metaverse. Fortnite của Epic Games cũng được coi là một phần của metaverse.
Thông qua những nền tảng này, nhạc sĩ có thể tiến hành các buổi hoà nhạc ảo. Ví dụ, vào tháng 9 vừa rồi, hàng triệu người đã được trải nghiệm buổi biểu diễn ảo của ca sĩ Ariana Grande trong game Fortnite.
Các thương hiệu thời trang nổi tiếng nhất trên thế giới cũng đã thử nghiệm làm các trang phục ảo để hình đại diện của người thực trong môi trường metaverse có thể mặc chúng.

Đoàn Hồng Nga và team TechBiz dịch và tổng hợp từ LiveMint và Microsoft News.