Đường bay thẳng Mỹ – Việt: vị thế của Việt Nam sẽ được nâng lên

Nghe bản thu âm bài báo này

Trong tình hình hiện nay, các quan hệ song phương về chính trị, kinh tế – xã hội giữa Việt Nam – Mỹ đã và đang trên đà phát triển rất thuận lợi. Những hiệp định thương mại quốc tế quan trọng đã được Việt Nam ký kết như: Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) với Liên minh châu Âu năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2018. Đó là những mốc tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và trao đổi thương mại giữa hai quốc gia gia tăng mạnh mẽ. Về phía Việt Nam, ngày càng được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch thế giới, trong những năm gần đây Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức các sự kiện quốc tế lớn và quan trọng, là một điểm đến an toàn, thân thiện với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di sản thế giới, danh lam thắng cảnh đẹp. Về phía Mỹ, là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và cũng là quốc gia có ngành du lịch phát triển toàn diện, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân Mỹ rất lớn, thường nằm ở nhóm hàng đầu thế giới. Tất cả những vấn đề nêu trên là động lực thúc đẩy thị trường hàng không Mỹ – Việt Nam tăng trưởng mạnh, tạo điều kiện cho hợp tác du lịch, trao đổi thương mại giữa hai nước có cơ hội phát triển hơn nữa.

Ảnh: Vietnmanet

Trong nhiều năm qua, thị trường khách Mỹ liên tục đứng trong tốp 5 về số lượt khách đến Việt Nam. Năm 2018 đạt 687,2 nghìn lượt khách, chiếm 4,4% trong tổng số khách đến Việt Nam; Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2014-2018 là 11,55%, trong số đó Việt kiều chiếm tỷ lệ khá lớn. Khách Mỹ đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, và một phần nhỏ từ đường biển. Theo số liệu tổng hợp từ kết quả điều tra khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 của Tổng Cục Du Lịch thì tỷ lệ tương ứng là 90,2% và 6,0%; số còn lại chiếm 3,8% đến bằng các phương tiện khác. Cũng theo kết quả cuộc điều tra này, không tính khách Việt kiều, có 83% khách Mỹ đến Việt Nam để tham quan, nghỉ dưỡng; 9,6% đến công tác và còn lại 4,8% là thăm bạn bè, người thân.

Trong suốt thời gian dài khi chưa có đường bay trực tiếp Việt – Mỹ, các hãng hàng không phải nối chuyến qua nước thứ ba tại các sân bay Incheon-Hàn Quốc, Narita-Nhật Bản, Changi-Singapore và Taipei-Đài Loan trước khi đưa khách đến Việt Nam. Đến nay, việc kết nối hàng không trực tiếp giữa hai nước đang có chiều hướng thuận lợi khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã thông báo cấp phép cho Vietnam Airlines khai thác các chuyến bay thương mại thường kỳ chở khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ vào ngày 4-11-2021. Chứng chỉ này là điều kiện tiên quyết về mặt pháp lý cuối cùng để Vietnam Airlines được phép khai thác đường bay thường xuyên Mỹ – Việt vì FAA là cơ quan có thẩm quyền cấp phép của nhà chức trách Mỹ. Đến chiều 16/11/2021, Vietnam Airlines đã chính thức đón nhận chứng chỉ cấp phép khai thác các chuyến bay thương mại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. So với giấy phép mà Mỹ đã từng cấp cho các hãng hàng không Việt Nam trước đó, để bay đến Mỹ dưới hình thức thuê chuyến kèm theo các điều kiện hạn chế về số lượng chuyến bay, thời gian và tần suất khai thác. Thì nay, chứng chỉ của (FAA) này không giới hạn về thời gian và cho phép Vietnam Airlines hoàn toàn chủ động xây dựng tần suất, triển khai kế hoạch khai thác theo nhu cầu của hãng.

Tham tán thương mại Charles Ranado thay mặt nhà chức trách Mỹ trao chứng chỉ cấp phép bay thẳng thường lệ cho Vietnam Airlines. Ảnh: Vũ Tuấn

Tại buổi lễ trao giấy phép, ông Charles Ranado, Tham tán thương mại thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, đã nói: “”Việc thiết lập đường bay được đánh giá là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế, giao lưu văn hóa, tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, góp phần vào sự phát triển vững mạnh và thịnh vượng chung của hai quốc gia”.

Sân bay quốc tế San Francisco. Ảnh: TFM Archive

Chuyến bay thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ với chiều đi dự kiến sẽ khởi hành tại TP Hồ Chí Minh vào tối 28/11 với hành trình đến San Francisco kéo dài 13 tiếng 50 phút đã được Vietnam Airlines lên kế hoạch. Chuyến bay chiều về từ San Francisco sẽ xuất phát vào đêm 29/11 (giờ địa phương) và hạ cánh tại TP Hồ Chí Minh vào sáng 1/12 với thời gian bay khoảng 16 tiếng 40 phút. Hai chuyến bay này theo dự kiến sẽ được khai thác bằng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Sau đó Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay thường lệ giữa TP Hồ Chí Minh và San Francisco với tần suất 2 chuyến/tuần kể từ tháng 12/2021. Trong thời gian tới khi dịch Covid-19 được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các chuyến bay thường lệ quốc tế, hãng sẽ tiếp tục tăng lên 7 chuyến/tuần. Đội tàu bay thân rộng hiện đại nhất của Vietnam Airlines là Boeing 787 và Airbus A350 sẽ được thực hiện cho những chuyến bay này nhằm mang đến những trải nghiệm thoải mái, tiện nghi cho hành khách cho chuyến bay dài.

Ông Lê Hồng Hà – Tổng giám đốc Vietnam Airlines – chia sẻ về thị trường hàng không Việt – Mỹ và kế hoạch khai thác đường bay tại sự kiện. Ảnh: Vũ Tuấn

Theo tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, “Sau San Francisco, Hãng sẽ xúc tiến bay đến những điểm khác của Mỹ” và sắp tới phía Mỹ sẽ tiến hành khảo sát tại sân bay Nội Bài để khai thác các đường bay tại đây. “Vietnam Airlines sẽ bay đến Los Angeles trong tương lai rất gần”. Việc Vietnam Airlines khai thác đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ, một quốc gia có hàng rào pháp lý và an ninh hàng không khắt khe bậc nhất thế giới, vào ngày 28/11, là sự kiện rất quan trọng và hết sức phấn khởi sau gần 20 năm chuẩn bị về mọi mặt.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines đã nhấn mạnh: “Sự kiện Vietnam Airlines chính thức được khai thác đường bay thường lệ Việt Nam – Mỹ là dấu ấn quan trọng trong quan hệ ngoại giao, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và trao đổi thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn, là động lực mới thúc đẩy thị trường hàng không Mỹ – Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Phong Đoàn