Việt Nam xác lập 5 kỉ lục thế giới về ẩm thực

Lần đầu tiên Việt Nam có 5 đặc sản cùng được 2 tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) và Hiệp hội Kỷ lục thế giới (WRA) xác nhận lập kỉ lục.

Ẩm thực Việt vốn nổi tiếng với sự đa dạng, phong phú trong cách chế biến từ các món ăn đường phố dân dã đến món ăn cầu kỳ sang trọng và để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng thực khách quốc tế. Rất nhiều phóng sự, bài báo của nước ngoài đã viết về ẩm thực Việt Nam và dành những lời khen ngợi làm nức lòng người dân cả nước và khiến chúng ta vô cùng tự hào.

Gordon Ramsay, đầu bếp nổi tiếng thế giới khi đến tham quan Việt Nam từng cảm thán rằng: “Tạ ơn Chúa là tôi không sinh ra ở Việt Nam, ở đây thì tôi chỉ là một đầu bếp tồi.” Vì sao ông lại nói như vậy? Phải chăng ẩm thực Việt Nam đã làm ông bị mê hoặc?

5 kỉ lục được xác lập gần đây do 2 tổ chức kỉ lục thế giới công nhận đã phần nào lí giải được tính đa dạng và sự đặc sắc của ẩm thực Việt khiến nhiều thực khách nước ngoài bị làm cho mê đắm.

  1. Quốc gia sở hữu nhiều món ăn sợi và nước dùng nhất

Nếu sinh sống ở Việt Nam hẳn bạn là từng thưởng thức nhiều lần các loại bún, phở, mì, miến, hủ tiếu khác nhau. Điểm chung là chúng đều là các món sợi. Mỗi loại đều có từ vài đến vài chục biến thể khác. Quả thật, ẩm thực Việt có rất nhiều những món ăn sợi, đặc biệt là món sợi nhiều nước vừa bắt mắt vừa rất ngon lành. Các món sợi Việt Nam thường được làm từ bột mì, bột gạo, bột sắn… để tạo thành vô vàn những món ăn khác nhau; tạo nên những biến tấu độc đáo, khác biệt mà vẫn đảm bảo được sự hấp dẫn trong hương vị. Trên khắp Việt Nam, bạn có thể thưởng thức đủ loại món sợi độc đáo. Mỗi vùng miền lại đặc trưng bởi các biến tấu có thành phần và hương vị khác nhau

2. Quốc gia có nhiều loại mắm và món ăn làm từ mắm nhất

Trong mâm cơm của người Việt đều dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của những bát nước chấm đậm đà thấm vị với tên gọi chung là mắm. Nhiều loại mắm được sử dụng trong ẩm thực Việt. Hầu như tất cả các loại mắm ở Việt Nam được dùng như một loại nước chấm hoặc nêm trực tiếp vào món ăn để tăng hương vị và tạo nét đặc trưng của từng món ăn, mang lại hơi thở riêng của vùng miền. Mắm không chỉ là nước chấm quen thuộc trong các bữa ăn hàng ngày của người Việt mà còn đóng vai trò quan trọng giúp tăng hương vị cho nhiều món ăn khác.

3. Quốc gia sở hữu nhiều món ăn làm từ hoa nhất

Không chỉ phô sắc vẻ đẹp, nhiều loài hoa còn hóa thân vào ẩm thực, tạo nên những món ăn tinh tế và bổ dưỡng. Nhờ vậy mà ẩm thực Việt vốn đã giàu bản sắc, nay lại trở nên vô cùng phong phú và mang đậm nét tinh túy.

Các loại hoa trong ẩm thực nước ta cũng được sử dụng với nhiều cách thức chế biến, từ dân dã đến cầu kỳ, sang trọng. Hoa trong ẩm thực Việt được sử dụng đa dạng và phong phú. Tùy vào đặc thù địa lý và tập quán của từng vùng miền mà sẽ có những món ăn làm từ hoa khác nhau với cách kết hợp khác nhau.

4. Quốc gia sở hữu nhiều món cuốn nhất

Các món cuốn đều có nhiều rau xanh, không hoặc chứa ít dầu mỡ. Nguyên liệu cuốn thường được sơ chế, hấp hoặc luộc để giữ được vị ngon nguyên bản, có hàm lượng dinh dưỡng cao, dù ăn nhiều vẫn không gây cảm giác ngán. Đặc trưng của món cuốn Việt là nhiều rau, hương vị tươi mát, thường được ăn cùng nước chấm chua ngọt. Ít quốc gia nào có hệ thống các món cuốn đa dạng – phong phú như Việt Nam.

5. Quốc gia sở hữu nhiều món làm từ bột gạo nhất

Thật khó để đếm hết các loại bánh và món ăn làm từ bột trong ẩm thực Việt Nam. Vào mỗi dịp lễ Tết, không khó để bạn nhìn thấy những chiếc bánh đầy màu sắc và được trình bày rất bắt mắt trong mâm cỗ của người Việt. Với nền nông nghiệp lúa nước lâu đời, hạt lúa – hạt gạo giữ vai trò quan trọng và chủ đạo trong văn hóa ẩm thực của người Việt. Gạo dù nếp hay tẻ cũng trở thành nguyên liệu để tạo nên vô vàn loại bánh với hương vị thơm ngon, độc đáo. Nhiều loại bánh có truyền thống lâu đời, gắn liền với người dân các vùng miền trên khắp cả nước. Gạo là “linh hồn” của ẩm thực Việt. Tất cả mọi thứ chúng ta có bây giờ đều bắt nguồn từ những cánh đồng lúa, mọi đứa trẻ Việt Nam đều được nuôi dưỡng bởi hạt gạo ngọt thơm. Gạo là tinh tuý, và người nông dân Việt Nam đối xử với gạo hết sức quý trọng.

Gordon Ramsay, đầu bếp nổi tiếng thế giới nói rằng: “Ở Anh chúng tôi cũng có các món làm từ gạo, thế nhưng ở đây, người Việt đã cho gạo lên một tầm cao mới.”

Ngoài ra ông còn cho biết thêm: “Người Việt không nhận ra những món ăn với giá thành hết sức rẻ của họ có tiêu chuẩn ẩm thực cao đến thế nào.”

Ông Lê Trần Trường An – tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam – cho biết các món ăn Việt Nam không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn có sự phong phú các mùi vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát… phù hợp với khẩu vị, sở thích ẩm thực của nhiều người, kể cả du khách nước ngoài.

Hơn thế, chính bởi sự khéo léo và sáng tạo trong chế biến và kết hợp các nguyên liệu, ẩm thực Việt tạo ra rất nhiều món ngon, đặc sắc từ nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú, gần gũi đời sống hàng ngày.

Để tiếp tục quảng bá ẩm thực, đặc sản Việt Nam nói riêng, hình ảnh đất nước con người Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) và Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld) đã hoàn thiện 6 bộ hồ sơ đề cử kỷ lục thế giới mới.

Các hồ sơ đề cử gồm: Đất nước có nhiều món ăn đường phố hấp dẫn và đa dạng nhất thế giới; Đất nước có nhiều quà tặng lưu niệm và quà tặng đặc sản hấp dẫn nhất thế giới; Đất nước có nhiều món ăn gia đình đặc trưng và hấp dẫn nhất thế giới; Đất nước có nhiều món “xôi – chè” độc đáo và hấp dẫn nhất thế giới; Đất nước có nhiều loại gia vị tự nhiên đặc sắc nhất thế giới và Quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta ra thị trường toàn cầu lớn nhất cùng nghệ thuật phối trộn, pha chế và văn hóa thưởng thức cà phê Robusta độc đáo, đa dạng nhất thế giới.

Việc ẩm thực Việt Nam xác lập 5 kỷ lục thế giới ẩm thực này không chỉ là sự kiện đáng tự hào mà còn là dịp giúp quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới giúp nhiều người yêu ẩm thực biết đến đồ ăn Việt nhiều hơn. Chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn và phát triển hơn nữa nền ẩm thực của nước nhà để thế giới sẽ còn phải trầm trồ, mê mẩn thềm nhiều lần nữa trong tương lai.

Hà My

Trần Lê Hà My
Latest posts by Trần Lê Hà My (see all)