Du lịch Việt Nam: Thiệt hại do Covid và các biện pháp phục hồi

Tiếp nối đà tăng trưởng cao 22,7% trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch Việt Nam bước vào năm 2020 với việc đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt khách, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành du lịch đã từng kỳ vọng vào một năm thành công, vượt chỉ tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2020, nhưng mọi chuyện đã bị đảo lộn kể từ tháng 2/2020 khi Covid 19 lần đầu tiên thâm nhập vào Việt Nam. Suốt gần hai năm qua, do tác động xấu và ảnh hưởng tiêu cực lan rộng từ dịch Covid-19 mà du lịch Việt Nam đang phải lao đao, đối mặt với muôn vàn khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Hầu hết các công ty lữ hành phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động rất ít, hướng dẫn viên thì thất nghiệp. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa, hoặc chỉ mở cửa trong giới hạn được phép đón khách địa phương, mọi hoạt động phải trì hoãn để cùng cả nước chung tay chống dịch.
Theo Tổng cục Thống kê (2021), từ tháng 3 năm 2020 đến nay Việt Nam không mở cửa du lịch quốc tế, số lượt khách quốc tế đến Việt Nam cả năm 2020 chỉ đạt 3,8 triệu lượt người trong đó số 96% là khách quốc tế đến trong quý I/2020, tính cả năm thì giảm 78,7% so với năm 2019. Số người nước ngoài ít ỏi đến Việt Nam chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Hình: Khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2016-2020

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021)

Riêng thị trường khách du lịch nội địa nhìn chung có khả quan hơn, nhưng vẫn liên tục bị gián đoạn bởi các đợt giãn cách xã hội theo các biên độ khác nhau khi dịch bùng phát, mặc dù nước ta đã kiểm soát đại dịch Covid-19 rất tốt trong ba kỳ bùng phát dịch trước đây. Các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành điêu đứng, hoạt động một cách cầm chừng có nhiều doanh nghiệp ngừng hẳn, các khách sạn phải đóng cửa. Theo báo “Kinh Tế và Dự Báo” ra ngày 18/09/2021 thì trong năm 2020, cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa, nhưng 90%-95% các doanh nghiệp lữ hành phải tạm dừng hoạt động. Cũng trong năm 2020, có 201 công ty lữ hành xin cấp mới giấy phép, nhưng có tới 338 công ty xin thu hồi giấy phép hoạt động của họ. Trong số các công ty lữ hành quốc tế vẫn duy trì hoạt động kinh doanh thì đều phải chuyển hết sang kinh doanh lữ hành nội địa. Hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng có đăng ký cho khách du lịch lưu trú trên cả nước nhưng công suất phòng chỉ đạt 20%-25%. Ở các tỉnh, thành phố và một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì không cầm cự nổi. Đáng buồn hơn có nhiều doanh nghiệp lưu trú đành phải rao bán khách sạn với giá rẻ hơn nhiều.
Trong tình hình đại dịch Covid diễn biết hết sức phức tạp và đã gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế nước nhà, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, các doanh nghiệp và lao động trong ngành du lịch là một trong số những đối tượng được quan tâm và hưởng chính sách hỗ trợ nhiều nhất như: gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, bảo tàng, khu vui chơi giải trí; giảm giá tiền điện cho các cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp; miễn, giảm lãi suất và lệ phí; tiếp cận các khoản vay ưu đãi không lãi cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên; hỗ trợ tài chính người lao động du lịch bị mất việc hoặc nghỉ không lương bởi đại dịch…
Trước những khó khăn của kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng do diễn biến khó lường và hậu quả của đại dịch để lại, nên chăng cần có những giải phải đồng bộ để cứu vãn tình hình và phục hồi ngành du lịch trong nước??? Điều đầu tiên chúng ta phải làm là bảo đảm an toàn cho du khách, cho người lao động trong ngành du lịch và cho cả cộng đồng trong giai đoạn mới khi những rào cản phòng dịch được nới lỏng. Để làm được điều đó thì toàn ngành du lịch phải tăng cường các biện pháp về y tế như bảo đảm vệ sinh phòng dịch cho dịch vụ vận chuyển hành khách, thường xuyên kiểm soát và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện y tế về việc phòng ngừa dịch bệnh cho các đơn vị trực tiếp phục vụ du khách. Bên cạnh đó, chính phủ nên có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch như miễn giảm thuế, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất thay cho mức giá dịch vụ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và lưu trú cho khách du lịch. Ngoài ra cần kích cầu du lịch nội địa trong thời điểm hiện tại khi mà khách du lịch quốc tế vẫn còn rất hạn chế bằng cách tăng cường các chuyến bay tàu hỏa đưa khách đến những trung tâm du lịch nổi tiếng trong nước với giá cả phải chăng. Về phía các đơn vị lữ hành, cần tung ra các chương trình du lịch ngắn ngày, trong khoảng cách gần và bổ sung thêm các chương trình du lịch liên quan đến yếu tố thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe và loại hình du lịch thể thao mang tính gắn kết gia đình và làm phong phú các chương trình tour, đặc biệt lưu ý đến văn hóa ẩm thực của từng địa phương. Cuối cùng là nên áp dụng công nghệ số vào các dịch vụ du lịch như đẩy mạnh việc đặt mua vé máy bay, tàu hỏa quan mạng, qua tin nhắn hoặc các nền tảng mạng xã hội khác một cách hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách cũng như hạn chế việc xếp hàng đông người khi mua vé. Trong bối cảnh sự lây lan của dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và rất khó tiên đoán thì các đại lý du lịch nên ưu tiên chọn khách sạn mà cho phép việc hủy phòng, hoàn tiền cọc cho du khách do dịch bệnh bùng phát đột xuất hơn là những khách sạn có thương hiệu hay giá thành tốt hơn.
Hy vọng với những giải pháp nêu trên sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai các chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

Phong Đoàn