COP26: Cơ hội cho các ngành năng lượng tái tạo

Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) đã khép lại với những cam kết hành động mạnh mẽ của các lãnh đạo toàn cầu về cắt giảm phát thải, đầu tư tài chính và hỗ trợ chuyển dịch năng lượng. Từ đó mở ra một cơ hội mới cho các ngành năng lượng tái tạo mới thay thế cho năng lượng hoá thạch vốn đã và đang gây hại cho hành tinh của chúng ta.

Từ những ngày đầu COP26, hơn 100 quốc gia đã ký cam về việc cắt giảm 30% lượng khí thải mê-tan vào năm 2030. Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, kiên định với kế hoạch cho phép lượng khí thải tăng lên đến năm 2030, và giảm xuống bằng 0 vào năm 2060. Nhưng trong một thông báo bất ngờ, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý làm việc cùng nhau để “tăng cường và đẩy nhanh hành động hợp tác về khí hậu” trong thời gian tới.

Đặc phái viên Hoa Kỳ về Khí hậu, John Kerry chia sẻ với đài phát thanh NPR: “Đây là lần đầu Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai quốc gia đứng đầu về lượng phát thải, cùng bắt tay hợp tác để đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải.”

Tuy nhiên, chỉ dừng sử dụng nhiên liệu hoá thạch để giảm bớt lượng khí thải là chưa đủ khi Báo cáo “Cơ sở Khoa học Vật lý của Biến đổi khí hậu 2021” do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hiệp quốc công bố tháng 8-2021 cho biết nhiệt độ trái đất đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Để đảm bảo mục tiêu trên của COP26, các quốc gia được yêu cầu đẩy nhanh quá trình loại bỏ than đá, hạn chế nạn phá rừng, tăng tốc độ chuyển sang xe điện và khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đây là nghị trình quan trọng nhất tại COP26.

Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm. Nhiều ứng dụng từ nguồn năng lượng này rất hữu ích, giúp tiết kiệm điện năng cho các hộ gia đình, nhà máy, xí nghiệp. Đó là nguồn năng lượng lớn không sợ cạn kiệt, có thể sử dụng cho nhiều nhu cầu, và địa điểm khác nhau. Do nó là nguồn năng lượng từ thiên nhiên nên chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng thấp, cũng như độ bền cao hơn gấp nhiều lần.

Trong dịp này Uỷ ban châu Âu về Năng lượng đã hợp tác với Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) tổ chức sự kiện bàn về năng lượng tái tạo ngoài khơi và hydro xanh (một loại năng lượng tái tạo). Diễn giả trong sự kiện bao gồm các chính trị gia và các nhà lãnh đạo trong ngành. Họ đã trình bày về bước tiến triển, lợi ích và tiềm năng cho cơ hội trong tương lai của các nguồn năng lượng ở cấp địa phương và toàn cầu.

Một điều khác được đề cập chính là họ đã đưa ra một bộ công cụ mới trong khuôn khổ Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc COP26 để đầu tư năng lượng sạch cho các quốc đảo nhỏ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu để sản xuất điện.

Năm 2019, các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) đã đồng loạt cam kết đến năm 2030 sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuy vậy, họ lại thiếu nguồn vốn để tiến hành quá trình chuyển đổi nên bộ công cụ này giúp các kế hoạch chuyển sang năng lượng sạch của các quốc gia thành các cơ hội kinh doanh có thể đầu tư.

Bộ công cụ này hỗ trợ phân tích để giải quyết các rào cản như dự án có quy mô nhỏ và thiếu sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế chủ chốt, thiếu vốn chủ sở hữu trong các tổ chức tài chính nội địa hay đầu tư nước ngoài bị hạn chế về mặt điều kiện pháp lý. Ngoài ra, nó còn cho phép người dùng phân tích chi phí – lợi ích và tạo nền móng cho hoạt động kinh doanh để đầu tư lĩnh vực năng lượng ở quốc gia của họ.

Khi ra mắt bộ công cụ này, Patricia Scotland – Tổng thư ký Khối thịnh vượng chung – cho biết: “Nó có thể hỗ trợ SIDS phát triển hoạt động và chiến lược kinh doanh để tạo điều kiện đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.”

Tóm lại, với Thoả thuận Xanh được ký kết tại COP26 cũng như các sự kiện bàn về vai trò và tiềm năng hay bộ công cụ hỗ trợ đầu tư, đã dọn đường cho các quốc gia loại bỏ dần nhiên liệu hoá thạch đang gây ô nhiễm cho môi trường. Mặt khác, nó còn tạo cơ hội cho các ngành năng lượng mới dự kiến sẽ bùng nổ trong tương lai.