Elon Musk tiếp quản Twitter vào ngày 27/10 và trở thành CEO của công ty này sau khi chốt thương vụ mua 44 tỷ USD. Chỉ 4 ngày sau khi tiếp quản công ty, Musk đã gây chấn động thế giới khi sa thải toàn bộ ban giám đốc, biến ông trở thành lãnh đạo duy nhất của Twitter. Ngay sau đó, vào ngày 4 tháng 11, Musk tiếp tục gây lên một cú sốc tại Twitter khi sa thải khoảng 3700 trong số 7500 nhân viên của mình, tương đương khoảng một nửa công ty. Các nhân viên bị sa thải không hề nhận được email thông báo cụ thể nào cho họ mà chỉ nhận được một email thông báo chung được gửi cho tất cả nhân viên Twitter một ngày trước khi đợt sa thải hàng loạt diễn ra. Theo Platformer thì email này chỉ có chữ ký của Twitter. Email giải thích rằng quyết định cắt giảm lao động toàn cầu của Twitter mặc dù nó sẽ “tác động đến một số cá nhân từng có những đóng góp lớn lao cho Twitter” nhưng cần thiết vì đây là “một nỗ lực để đưa Twitter vào một con đường phát triển lành mạnh hơn.” Và “để đảm bảo sự thành công của công ty trong tương lai.”
Các nhân viên bị cho thôi việc của Twitter chỉ nhận ra họ bị sa thải sau khi bất ngờ không thể truy cập vào email công ty. Tuy nhiên, một số nhân viên bị sa thải đã nhận được đề nghị quay lại vì bị sa thải nhầm.
Gần đây, có thông tin cho rằng Twitter tiếp tục cắt giảm 4.400 trong số 5.500 nhân viên hợp đồng của họ vào thứ Bảy, ngày 12 tháng 11 mà không có thông báo trước. Theo Business Insider, đợt sa thải này trực tiếp nhắm đến một số lĩnh vực, bao gồm tiếp thị, bất động sản và kiểm duyệt nội dung. Twitter gọi động thái này là một phần của “bài tập tiết kiệm và tái ưu tiên” nhằm cắt giảm chi phí để đối phó với sự sụt giảm mạnh về quảng cáo của mạng xã hội này trong năm qua.
Twitter không phải là công ty công nghệ duy nhất trải qua quá trình cải cách lực lượng lao động. Tháng vừa qua chứng kiến nhiều đợt sa thải hàng loạt của các ông lớn công nghệ khiến cả thế giới công nghệ rúng động. Việc sa thải 11000 nhân viên của Meta hơn một tuần trước đã gây ra các cuộc tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông. Nó diễn ra sau đợt sa thải đầu tiên tại Twitter dẫn đến 3700 người mất việc, 1000 việc làm bị cắt tại Microsoft, 14% nhân viên bị nghỉ việc tại Stripe và hơn 700 người mất việc làm tại Lyft. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, Amazon sẽ là gã khổng lồ công nghệ tiếp theo cắt giảm nhân sự. Thời báo New York cho rằng trong tuần này, Amazon có kế hoạch cho thôi việc 10.000 nhân viên. Hiện tại, Amazon có khoảng 1,6 triệu nhân công toàn thời gian và bán thời gian, với hơn 300.000 nhân viên trong đó là nhân viên khối văn phòng. Do đó, việc cắt giảm việc làm sắp tới sẽ chiếm khoảng 3% nhân viên công ty và dưới 1% lực lượng lao động toàn cầu của Amazon.
Theo CNBC, trước đó Amazon này đã chuẩn bị ngừng tuyển dụng các vị trí khối văn phòng trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ của mình. Trong những tháng gần đây, Amazon đã loại bỏ mảng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, hủy hoặc hoãn việc mở một số địa điểm kho hàng mới, đóng cửa tất cả trừ một trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại tại Hoa Kỳ, loại bỏ robot giao hàng lưu động và đóng cửa các chuỗi cửa hàng truyền thống hoạt động kém hiệu quả.
Nguyên nhân của những điều chỉnh này được cho là đến từ hoạt động kinh doanh bết bát gần đây của gã khổng lồ thương mại điện tử.
Vào tháng 10, Amazon đã công bố thu nhập quý ba khá gây thất vọng khiến các nhà đầu tư lo lắng và khiến cổ phiếu của hãng lao dốc hơn 13%. Đây là lần thứ hai trong năm nay, kết quả của Amazon gây ra tỷ lệ bán tháo ở mức hai con số và đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2020, vốn hóa thị trường của Amazon xuống dưới 1 nghìn tỷ USD. Việc bán tháo tiếp tục diễn ra trong nhiều ngày sau báo cáo và gần như xóa bỏ hoàn toàn thành tích bùng nổ của cổ phiếu Amazon trong đại dịch.
Cổ phiếu Amazon đang “cắm đầu” để hoàn thành lộ trình một năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 sau khi giảm gần 41% từ đầu năm đến nay, nhiều hơn mức giảm 14% của S&P 500.
Việc các gã khổng lồ như Amazon, Meta, Twitter, Microsoft, Snap và nhiều công ty khác sa thải hàng loạt nhân viên cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về những ảnh hưởng khủng khiếp mà nền kinh tế bất ổn đang ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghệ như thế nào. Nếu lo ngại của các nhà kinh tế hàng đầu thế giới về cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sắp xảy ra trở thành hiện thực thì có vẻ như hệ quả cho các công ty công nghệ sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp trong thời gian tới.