Tương lai của tiền số, tiền điện tử pháp định ở Việt Nam: một số nhận định và đánh giá

Theo báo cáo tiền điện tử gần đây nhất của Finder được công bố vào tháng 8 năm 2021, Việt Nam dẫn đầu về việc áp dụng tiền điện tử trên thế giới, với 42% trong số những người được hỏi cho biết họ đã mua tiền điện tử và 20% nói rằng họ đã đầu tư vào Bitcoin. Đây là tỷ lệ lớn nhất trong số tất cả các quốc gia tham gia cuộc bình chọn. Tuy nhiên, tiền điện tử vẫn chưa được công nhận hợp pháp tại Việt Nam. Quyết định 942 gần đây của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chỉ định ngân hàng nhà nước nghiên cứu và xây dựng tiền điện tử quốc gia hay tiền pháp định số là động thái kịp thời của Chính phủ nhằm đáp ứng với tình hình hiện tại và thể hiện rõ mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong 30 chính phủ điện tử đầu tiên trên thế giới. Để rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi có bài viết làm rõ các khái niệm cũng như phân tích các cơ hội cho việc phát hành tiền điện tử pháp định hoặc tiền số ở Việt Nam. Bài viết tổng hợp ý kiến và đề xuất của Thạc sĩ Nguyễn Đức Việt trên tạp chí Khoa học công nghệ Việt Nam và các văn bản pháp lý của chính phủ về vấn đề phát triển tiến số ở Việt Nam.

Tiền pháp đinh, tiền điện tử pháp định và sự khác biệt so với tiền mã hóa

Tiền pháp định hay tiền định danh (tiếng Anh là Fiat Money) là loại tiền tệ được chính phủ của một quốc gia phát hành, quy định và công nhận hợp pháp trong quốc gia đó và có tính thương mại quốc tế khi được chấp nhận trong giao dịch quốc tế. Nói nôm na, tiền pháp định chính là tiền giấy, tiền xu chúng ta dùng mua bán hàng ngày.

Phiên bản tiền điện tử của tiền pháp định hay còn gọi là Tiền điện tử pháp định chỉ các loại tiền tệ tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số (lưu trữ trong thẻ ATM, tài khoản ngân hàng…) chứ không tồn tại dưới dạng vật lý. Có giá trị trao đổi ngang bằng 1-1 với tiền giấy pháp định thông thường.

So với tiền mã hóa như đồng Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH),…, tiền điện tử pháp định có sự tương đồng và khác biệt như sau:

Về tính sở hữu: Tiền điện tử pháp định do chính phủ phát hành và đảm bảo quyền sở hữu. Bitcoin và các đồng tiền số khác do các tổ chức hoặc cá nhân phát hành trên nền tảng blockchain, có tính phi tập trung nên không được kiểm soát hay chi phối bởi bên thứ ba.

Về bảo mật: Tương tự tiền mã hóa, tiền điện tử pháp định sử dụng lưu trữ dữ liệu phi tập trung trên nền tảng của blockchain, mã hóa theo chuỗi và khi mã hóa có sự kế thừa. Do đó các giao dịch sẽ được ghi nhận tự động và không thể sửa chữa được.

Về bảo vệ môi trường và tiêu hao năng lượng: Tiền điện tử pháp định có vẻ sẽ kiểm soát được năng lượng tiêu thụ tốt hơn. Do việc khai thác tiền điện tử pháp định sẽ được chính phủ điều phối và chịu trách nhiệm nên sẽ không phụ thuộc vào các hệ thống trả thưởng của các cá nhân tham gia khai thác như tiền mã hóa. Đặc điểm của việc khai thác tiền mã hóa là nhiều người có thể tham gia khai thác cùng lúc. Khi có càng nhiều người tham gia, giá trị trả thưởng càng nhỏ đi và cần nhiều máy đào hơn để đạt được số tiền mã hóa như mong muốn. Điều đó có nghĩa là để đạt một số tiền mã hóa nhất định thì sẽ cần ngày càng nhiều hơn số máy đào tham gia nhập hệ thống khai thác, làm tăng năng lượng tiêu thụ và ảnh hưởng nhiều hơn đến môi trường.

Về tính ẩn danh: Tiền điện tử pháp định kế thừa một phần tính ẩn danh của tiền mã hóa. Tuy nhiên, chính phủ của một quốc gia sẽ nắm quyền quản lý thông qua ngân hàng trung ương, có quyền truy cập, nắm rõ thông tin chính danh của những giao dịch này và điều chỉnh những hành vi phạm pháp.

Về thanh toán: Cả tiền điện tử pháp định và tiền mã hóa đều có thể thanh toán không giới hạn, nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp…

Hiệu quả về mặt chính sách và phát hành của tiền điện tử

Về mặt thanh toán: Tạo mô hình tối ưu hóa chức năng thanh toán; tích hợp với công cụ tài chính khác giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả.

Về chính sách tiền tệ: Lãi suất tiền điện tử của ngân hàng trung ương sẽ trở thành một công cụ chính sách tiền tệ mới. Ngân hàng trung ương có thể thông qua việc điều chỉnh lãi suất tiền điện tử để điều chỉnh lãi suất tiền gửi ngân hàng thương mại.

Về phát hành: Chi phí thấp hơn nhiều so với phát hành tiền pháp định do tiết kiệm chi phí cho khâu in ấn, vận chuyển, bảo quản. Phát hành hay thu hồi dễ dàng và Ngân hàng trung ương giữ vai trò trung tâm.

Hiện trạng tiền điện tử pháp định trên thế giới

Đồng e-Euro sắp phát hành

Đồng e-Euro sẽ được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu và các ngân hàng quốc gia. Tuy nhiên nó sẽ không thay thế hoàn toàn mà tồn tại song song với tiền mặt.

e-Euro được phát hành để thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế. Mục đích là giảm bớt giao dịch tiền mặt, giao dịch mà không cần kết nối mạng; dễ sử dụng cho người già, người khuyết tật; miễn phí các giao dịch cơ bản và đảm bảo quyền riêng tư. Trong tương lai, đồng e-Euro sẽ thay thế dần cho đồng tiền vật lý trên nhiều lĩnh vực chẳng hạn là phương tiện trao đổi, tích trữ. Muốn vậy, cần phải đảm bảo việc cung cấp thanh toán điện tử cho các ngân hàng trung ương nước ngoài hoặc các cá nhân, tổ chức nằm ngoài khu vực châu Âu.

Thử nghiệm tiền điện tử của Trung Quốc

Đồng e-CNY được phát hành trên công nghệ blockchain nhưng tất cả các máy thành viên ngang hàng chứa sổ cái – dữ liệu lưu trữ quá trình giao dịch – đều thuộc quyền quản lý của chính. Mỗi đồng đều được gắn số thứ tự (serial number) như trên tiền giấy.

Ví điện tử e-CNY là một ứng dụng di động, bảo mật bằng mật khẩu, sử dụng khi có internet, có định danh người sử dụng.

Ví cứng đã được thử nghiệm sử dụng công nghệ NFC (Near-Field Communications), kết nối giữa hai thiết bị điện tử ở khoảng cách gần. Thanh toán bằng cách quẹt thẻ, không cần điện thoại, internet, mật khẩu. Việc chuyển tiền từ ví điện tử vào ví cứng hoặc ngược lại sẽ thao tác qua kết nối bluetooth hoặc NFC, ví không có định danh người dùng.

Áp dụng vào Việt Nam

Các vấn đề về kỹ thuật, pháp lý, tính chất và lợi ích trong việc nghiên cứu về đồng tiền điện tử pháp định ở Việt Nam đang trong giai đoạn chín muồi. Cụ thể:

Về kỹ thuật, blockchain đã được chứng thực qua quãng thời gian dài và cho thấy tính ổn định và đảm bảo để phát triển tiền điện tử pháp định.

Về pháp lý và tính chất, có thể kế thừa kinh nghiệm từ các quốc gia, khu vực đã thử nghiệm thành công.

Về lợi ích, nó đã cho thấy được nhiều lợi ích như kể trên và đặc biệt hữu ích trong quá trình toàn cầu hóa và giao thương quốc tế.

Nắm bắt được điều này, thủ tướng chính phủ đã ra quyết định 942 vào tháng sáu vừa qua chỉ đạo Ngân hàng nhà nước chủ trì nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền điện tử trên công nghệ blockchain. Tiếp đó Quyết đinh 1813 ban hành cuối tháng 10 phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đã một lần nữa chắp thêm cánh cho việc hiện thực hóa việc ra đời của một đồng tiến số hoặc tiền điện tử pháp định cho Việt Nam. Tuy nhiên, vì tiền điện tử hay tiền mã hóa ở Việt Nam vẫn chưa được lưu hành hợp pháp dù pháp luật không cấm sở hữu, cho tặng hay tìm kiếm để sở hữu, chúng ta cần có những điều chỉnh hợp lý về khung pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa tiền mã hóa hoặc tiền điện tử pháp định của nhà nước vận hành một cách hiệu quả.
Đoàn Nga và TechBiz team tổng hợp