Là đô thị đặc biệt với gần 10 triệu dân, hạ tầng đô thị của thành phố Hồ Chí Minh đang chịu áp lực lớn. Vì vậy sau hơn 10 năm nghiên cứu, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM (Sở QH-KT TP.HCM) đã tổ chức khảo sát về “Dự thảo quy chế quản lý kiến trúc đô thị TP.HCM”, trong đó có vấn đề quy hoạch không gian ngầm của thành phố.
Khu đô thị ngầm giữa trung tâm thành phố
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, không gian ngầm được khai thác hiệu quả sẽ góp phần giảm mật độ khai thác trên mặt đất và thu hút người dân tham gia các phương tiện công cộng (cụ thể là tàu metro). Đặc biệt, nó còn tạo thêm nguồn lực mới về kinh tế và giảm chi phí đầu tư. Do đó, Sở đã dự thảo quy hoạch một không gian quanh khu vực công viên Mê Linh, đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng (Quận 1) nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, mua sắm và giải trí của người dân.
Kế hoạch khởi công khu trung tâm 930ha (gồm quận 1, quận 3, quận 4 và quận Bình Thạnh) cụ thể như sau:
Tầng hầm thứ nhất tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như Nhà hát Thành Phố, khu công viên dọc sông Sài Gòn. Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và ki ốt diện tích tối đa 60m2, các cầu thang để người dân đến trung tâm thương mại ngầm. Hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, công viên mini… phục vụ nhu cầu khách giải trí, thư giãn. Tầng thứ hai và ba sẽ làm bãi giữ xe, nhằm mục đích tiết kiệm không gian cho các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm.
Song song với nó là vườn trũng ở tầng ngầm sẽ được xây dựng ở khu vực công trường Mê Linh (chỉ cách đó 1km) với các quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ… ở xung quanh. Ngoài ra, nó dự kiến kết nối bãi giữ xe có sức chứa hơn 300 ô tô và các công trình ngầm của tòa nhà xung quanh. Khu vực giữa công trường Mê Linh và sông Sài Gòn sẽ có 3 trạm xe buýt giữa các trạm với vườn trũng.
Đại diện Sở QH-KT TP.HCM chia sẻ rằng: “Không gian ngầm không chỉ đơn thuần là đường kết nối Metro, kết nối giao thông công cộng mà còn phục vụ đa dạng nhu cầu giải trí của người dân thông qua việc tổ chức, phát triển các dịch vụ thương mại, khu sinh hoạt cộng đồng… giống như một khu đô thị dưới lòng đất. Không gian ngầm sẽ là một diện mạo mới cho sự phát triển đô thị ở TP.HCM, các loại hình dịch vụ, thương mại sẽ là điểm trọng tâm cho việc quy hoạch sắp tới.”
Thay đổi cấu trúc và không gian của đô thị
Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, đánh giá về cơ bản, dự thảo quy chế quy hoạch không gian ngầm của Sở QH-KT khá hoàn thiện, xác định được các không gian ngầm quan trọng và gắn kết các công trình xung quanh. Vấn đề là cần đẩy nhanh các bước triển khai chi tiết bởi nhu cầu xây dựng không gian ngầm của TP là cấp bách.
Theo ông Mười, dịch vụ thương mại, hoạt động giao thông hay tất cả dịch vụ khác trên diện tích khu đô thị cũ đến nay đã quá tải. Nếu cứ phát triển trên mặt bằng hiện nay thì tất cả vấn đề của đô thị từ nay đến 10 năm nữa vẫn chưa thể giải quyết được. Do đó, không gian ngầm sẽ thỏa mãn nhiều nhu cầu hoạt động của khu trung tâm Thành phố như chỗ đậu xe, vấn đề đi lại cho người dân và tăng thêm giá trị gia tăng của tất cả dịch vụ khu trung tâm.
Mặt khác, đô thị dưới lòng đất còn giúp kết nối các công trình công cộng để hướng đến việc thu hút các nhà đầu tư, biến khu dân cư, nhà phố thành các tòa cao ốc, xã hội sẽ tự động dịch chuyển theo hướng tích cực mà không cần sự can thiệp của nhà nước.
“Thêm không gian ngầm không có nghĩa là kéo thêm người dân hội tụ về, gây ngột ngạt khu vực trung tâm. […] Nếu làm đúng cách, không gian ngầm này sẽ tận dụng không gian ngầm của metro trở thành một không gian thân thiện cho người đi bộ, đúng với định hướng của Thành phố trong tương lai”, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn phân tích.
Lí do chậm trễ
Theo KTS Khương Văn Mười, khó khăn lớn nhất đối với bài toán không gian ngầm của TP.HCM là vấn đề tài chính. Việc xây dựng công trình ngầm đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước có hạn, quy hoạch giao thông trên mặt đất còn nhiều ngổn ngang, chưa hoàn thiện nên chưa xác định được nguồn vốn cho không gian ngầm. Vì thế, cần khuyến khích, ưu tiên để doanh nghiệp làm, cho họ thấy có những giá trị gia tăng, bỏ tiền vào sẽ thu về được lợi gì. Đó là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia.
- Những món ăn Việt khiến người nước ngoài mê mẩn - Tháng mười một 8,
- Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng thành phố dưới lòng đất - Tháng mười hai 6, 2021
- COP26: Cơ hội cho các ngành năng lượng tái tạo - Tháng mười một 17, 2021