Những phong tục đón Giáng sinh ở Na Uy

Khung cảnh đường phố mùa Giáng sinh ở Tromso- một thành phố ở cực Bắc của Na Uy. Credit: Nguyễn Thủy- TechBiz.network

Vương quốc Na Uy là quốc gia đa tôn giáo nằm ở bán đảo Scandinavia là nơi dân cư thưa thớt với hơn 5 triệu người trên diện tích 385.207km2, bằng khoảng 1/20 so với mật độ dân số ở Việt Nam. Trong quá khứ, nhà thờ công giáo từng đóng vai trò quan trọng ở Na Uy và đạo thiên chúa từng là quốc giáo của quốc đảo này.

Dù Công giáo không còn là quốc giáo từ năm 2012[1] và người dân Na Uy cũng không sùng đạo, nhưng như hầu hết các quốc gia châu Âu khác, Giáng sinh- hay còn gọi là Jul trong tiếng Na Uy- là dịp lễ lớn toàn quốc ở quốc gia này. Đây là một trong những dịp mà bạn có thể nhìn thấy văn hóa truyền thống của Na Uy được phát huy đậm nét nhất, đặc biệt là trên bàn ăn những ngày Giáng sinh.

1.    Những món ăn Giáng sinh truyền thống

Pinnekjøtt- Thịt cừu muối khô hầm. Ảnh: vossakjot.no

Na Uy không phải là đất nước quá nổi tiếng về ẩm thực. Thường ngày bạn sẽ rất ít khi nhìn thấy các món ăn truyền thống Na Uy trên bàn ăn ở các gia đình hay trong nhà hàng. Khi được phỏng vấn, những người trẻ ngày nay còn cho rằng ẩm thực Na Uy rất nhàm chán vì họ vốn quen với các món ăn hàng ngày là sản phẩm văn hóa du nhập từ các nền ẩm thực phổ biến trên thế giới như Ý, Pháp, Mỹ. Thế nhưng Giáng sinh có lẽ là dịp duy nhất trong năm mà các món ăn, thức uống truyền thống của ẩm thực Na Uy hiện diện đầy kiêu hãnh trên bàn ăn của mỗi gia đình và trong khắp các nhà hàng như thể chưa từng có sự chen chân của bất cứ nền ẩm thực ngoại quốc nào. Đây là dịp bạn sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống như Risengrynsgrøtt- món cháo gạo sữa ăn kèm mứt và bơ thường được dùng vào buổi sáng ngày Giáng sinh, hay Ribbe (sườn heo nướng giòn bì) và Pinnekjøtt (sườn cừu muối khô hầm). Đây đều là những món không thể thiếu trong các buổi tiệc và bữa ăn chính những ngày nghỉ lễ Giáng sinh.

Món Ribbe- thịt sườn quay giòn bì của người Na Uy dịp Giáng sinh. Ảnh: Nguyễn Thủy- TechBiz

Là quốc gia ba mặt giáp biển, Na Uy nổi tiếng với rất nhiều loại đặc sản từ biển cả. Chính vì thế, vào dịp Giáng sinh bạn cũng sẽ thấy khá nhiều món cá truyền thống trên bàn ăn của người Na Uy. Trong đó phải kể đến Lutefisk- món cá khô ngâm trong dung dịch kiềm thường được ăn kèm với thịt xông khói chiên, khoai tây nghiền và lefse (một loại bánh làm từ bột khoai tây cán mỏng, dẹt). Rakfisk- món cá ướp muối lên men có mùi rất đặc trưng cũng là món rất thường được bắt gặp trên bàn ăn mùa Giáng sinh. Ngoài khoai tây nghiền, bắp cải muối, bánh mì hoặc lefse, khi ăn rakfisk bạn phải uống rượu Aquavit truyền thống hay bia mới thật sự đúng bài.

Rượu Aquavit của Na Uy. Ảnh: vinmonopolet.no

Nói đến rượu Aquavit thì hẳn người Na Uy trưởng thành nào cũng từng nếm thử một lần dịp lễ Giáng sinh. Đây là một loại rươụ trưng cất từ ngũ cốc và khoai tây, được tạo hương thơm từ nhiều loại thảo mộc khác nhau. Thức uống này thường có nồng độ cồn cao (trên 37.5 độ)[2].

Ngoài Aquavit, món nước uống truyền thống yêu thích của nhiều người dịp lễ Giáng sinh chính là gløgg- một thức uống nóng có thể chứa cồn hoặc không nhưng nhất định phải có rất nhiều hương liệu đặc trưng như hồi, quế, vỏ cam, đinh hương, gừng. Buổi sáng ngày Giáng sinh, gương mặt còn chưa hết ngái ngủ mà được đánh thức bởi mùi thơm ngào ngạt của cốc Gløgg nóng hổi và bát cháo sữa Risengrynsgrøt béo ngậy, thơm hương quế thì không còn gì tuyệt hơn. Hương thơm nồng ấm ấy hẳn sẽ vương vấn trong tâm trí bạn cùng sự háo hức đến tận Giáng sinh năm sau.

Pepperkaker- Bánh quy gừng của Na Uy. Ảnh: matprat.no

Bánh quy gừng là món đặc trưng dịp Giáng sinh ở rất nhiều nước châu Âu và Bắc Mỹ. Ở Na Uy, cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tên gọi của bánh này trong tiếng Na Uy lại khá thú vị- Pepperkaker. Dịch chính xác thì nó có nghĩa là Bánh hạt tiêu chứ không phải là bánh quy gừng, mặc dù trong thành phần của bánh phiên bản Na Uy có rất ít hoặc thậm chí không có hạt tiêu. Vẫn không rõ nguyên nhân chính xác vì sao loại bánh này được đặt tên như vậy, nhưng có thể là vì vị của bánh có chút the cay như vị hạt tiêu? Dịp Giáng sinh nhà nào có trẻ con thì hẳn nhà bánh quy Pepperkakehus là món trang trí không thể thiếu. Như tất cả các mô hình nhà bánh quy gừng dịp Giáng sinh ở nhiều nước khác, ngôi nhà bánh quy làm từ Pepperkake cũng được ghép từ nhiều mảnh pepperkake khác nhau, vừa để trang trí vừa để trẻ con “phá cỗ” ăn chơi cho thỏa thích thú.

2.    Những nghi lễ đón Giáng sinh của người Na Uy

Trước Giáng sinh, đặc biệt từ thời điểm bắt đầu Mùa Vọng là khi bạn nhìn thấy rõ nhất những nghi thức đón Giáng sinh được mọi người hưởng ứng từ trong các gia đình, hàng quán, đến công sở. Mùa Vọng bắt đầu từ cuối tháng 11, là mùa trông chờ Chúa đến đem bình an và cứu độ cho nhân trần, gồm 4 tuần liên tiếp trước lễ Giáng Sinh. Theo phong tục truyền thống, cứ mỗi ngày Chúa Nhật mùa vọng người ta sẽ thắp một ngọn nến cho đến Chúa Nhật trước lễ Giáng Sinh, tất cả 4 ngọn nến được thắp sáng như là một biểu tượng của sự trông ngóng đợi chờ. Mặc dù trong thời hiện đại, ít người ở Na Uy còn theo phong tục này nhưng trong suốt mùa Vọng vẫn còn rất nhiều nghi thức khác vẫn còn được duy trì.

Các hoạt động chào đón Giáng sinh

Đường phố Oslo- thủ đô của Na Uy dịp Giáng sinh. Ảnh: Thủy Nguyễn- Techbiz.network

Hàng năm, ngay từ tháng 11, không khí chuẩn bị Giáng Sinh đã bắt đầu nhộn nhịp trong các khu thương mại, trên đường phố và ở các cửa hàng tại các con phố lớn ở Na Uy, biến đất nước này trở thành một thiên đường rực rỡ sắc màu lễ hội. Từ cuối tháng 11, người ta đã trang hoàng những cây thông Noel và dàn đèn trang trí đủ màu, đủ hình dạng ở hầu hết các đường phố lớn. Những buổi hòa nhạc Giáng Sinh cũng được tổ chức phổ biến ở những nơi công cộng.

Hòa vào không khí mùa lễ hội, các Julemarked (Chợ Giáng sinh) được dựng lên ở khắp các thành phố cho mọi người thỏa sức sắm sửa những đồ trang trí, đồ ăn đặc trưng Giáng Sinh và sản vật từ nhiều vùng miền trong cả nước.

Một khu chợ Giáng sinh ở trung tâm Oslo. Ảnh: Nguyễn Thủy- TechBiz.network

Cũng như nhiều nước trên thế giới, người Na Uy thường trang trí nhà mình với cây thông Noel được treo đủ các loại bóng đèn màu, ruy băng, quả khô, thiệp Giáng sinh, và nhiều món đồ theo sở thích khác. Ngoài ra, bạn còn có thể nhìn thấy trên cửa chính các gia đình một chiếc vòng nguyệt quế xanh màu thường xuân xen lẫn với màu đỏ Giáng sinh của các loại lá và quả khô khác. Cũng vào dịp này, trước thềm nhà, sân trước, sân sau hay trong vườn mỗi ngôi nhà, không khó để bạn nhìn thấy hình ảnh những thiên thần trắng, những trái tim đỏ thắm hay trắng bạc, tượng các vị thần nisse, gnome, những sợi dây kim tuyến lấp lánh cùng đèn màu nhấp nháy tỏa rực cả một góc trời.

Đường Phố rất nhiều đèn trang trí hình trái tim ở Tromso. Ảnh: Nguyễn Thủy- TechBiz

Julebord

Tụ họp cùng nhau trong bữa tiệc Giáng sinh và chia tay năm cũ là một nghi thức không thể thiếu của người Na Uy mỗi dịp cuối năm ở các hội, nhóm và công ty. Phong tục này được gọi là Julebord. Theo nghĩa đen Julebord có nghĩa bàn tiệc Giáng sinh. Bởi thế mà mỗi dịp Julebord là mọi người lại háo hức diện những bộ cánh lịch sự, đẹp mắt để cùng nhau quây quần bên bàn tiệc đủ những món ăn, đồ uống đặc trưng Giáng sinh và hàn huyên trên trời dưới bể về một năm đã qua. Từ đầu tháng 12 hàng năm, đâu đâu người ta cũng nói về Julebord. Khắp chốn công sở, mọi người nhìn nhau háo hức chờ đón dịp được ngồi lại với nhau trong bữa tiệc Giáng sinh Julebord.

Một bữa tiệc Giáng sinh Julebord của người Na Uy. Ảnh: Nguyễn Thủy- Techbiz.network

Julenissen

Julenisse- Ông già Noel của người Na Uy. Ảnh: Nguyễn Thủy- TechBiz.network

Khác với hình ảnh ông già Noel ở khắp nơi trên thế giới, trong phong tục truyền thống của người Na Uy, nhân vật thay thế ông già Noel là Julenissen. Trong văn học dân gian của người Scandinavia, các vị thần nisse hay gnome rất phổ biến giống như các vị táo quân hay thổ công trong văn hóa người Việt. Rất khó để phân biệt rạch ròi giữa nisse và gnome nhưng có một số ý kiến cho rằng các nisse là các vị thần tốt hơn trong khi gnome mang nhiều nét tính cách xấu hơn. Những vị thần này là những biểu tượng của nền văn hóa Bắc Âu cổ xưa với bộ râu dài trắng muốt và chiếc mũ hình nón nhiều màu khác nhau. Khi ông già Noel được du nhập vào Na Uy, người Na Uy đã chọn cho mình một danh từ riêng để chỉ nhân vật này là Julenisse (danh từ xác định là Julenissen) với hình ảnh trộn lẫn của vị thần nisse và ông già Noel phổ biến: vẫn đặc trưng với bộ râu dài trắng muốt và chiếc mũ tam giác màu đỏ. Tuy nhiên, thay vì bao phủ một màu đỏ rực như ông già Noel ở khắp nơi trên thế giới, Julenissen có thể khoác lên mình những bộ cánh màu sắc khác nhau như cả bộ màu xanh, áo lông xám, hoặc áo màu đỏ, quần màu xanh rêu vv… Vào dịp Giáng sinh, hình ảnh các Julenisse được trang trí khắp nơi, không chỉ là các pho tượng đứng trước các cửa hàng, văn phòng hay trong các gian hàng quà tặng, trên cây thông Noel mà còn được in trên giấy gói quà, các bưu thiếp chúc mừng Giáng sinh.

Các nisse, gnome và Julenissen cùng các phiên bản biến tấu được bày biện khắp nơi mùa Giáng sinh. Ảnh: Nguyễn Thủy- TechBiz

 Lille Julaften

Cây thông Noel được xếp đầy quà dưới gốc. Ảnh: Nguyễn Thủy- TechBiz

Theo truyền thống, đêm ngày 23/12 được gọi là Lille Julaften (Đêm Giáng sinh nhỏ). Vào thời khắc này, tất cả mọi thành viên gia đình sẽ cùng nhau chuẩn bị những công việc cuối cùng trước đêm Giáng Sinh như xếp quà Giáng sinh dưới gốc cây thông, làm bánh quy gừng, nướng bánh và chuẩn bị các món ăn truyền thống. Một trong những nghi thức phổ biến khác là cùng nhau thưởng thức món cháo gạo sữa Risengrynsgrøtt chỉ chứa một hạt hạnh nhân duy nhất ẩn trong phần ăn bất kì. Người nào may mắn ăn trúng hạt hạnh nhân này sẽ được nhận phần thưởng là chú lợn xinh xắn làm từ marzipan, tượng trưng cho sự may mắn. Tuy nhiên, nhiều gia đình Na Uy cũng thích thực hiện phong tục này vào sáng ngày Giáng sinh 25.12 thay vì vào Lille Julaften.

Risengrynsgrøtt ăn kèm thịt cừu muối khô. Ảnh: Nguyễn Thủy- TechBiz.network

Cũng trong đêm Lille Juleaften, rất nhiều người Na Uy còn có thói quen ngồi xem phim ngắn Grevinnen og Hovmesteren- một chương trình Giáng sinh phát thường niên trên đài truyền hình quốc gia NRK kể từ năm 1980.

Julaften- Đêm Giáng Sinh

Phần quan trọng nhất dịp lễ Giáng Sinh chắc chắn là đêm 24/12- Juleaften. Khác với người Việt Nam, thường thích ra đường để đón lễ Giáng sinh, người Na Uy muốn dành thời khắc này cho gia đình và những người thân yêu nhất. Đúng 5 giờ khi những tiếng chuông nhà thờ bắt đầu reo vang, người Na Uy cũng chuẩn bị ngồi vào bàn cùng nhau ăn bữa tối Giáng sinh với những món ăn truyền thống mà cả năm mới có dịp thưởng thức. Sau đó, họ quây quần bên cây thông Noel trò chuyện, hát hò, chơi các trò chơi tập thể và tất nhiên là mở quà Giáng sinh- tiết mục luôn được chờ đón nhất. Nhiều gia đình thậm chí còn thuê hoặc cử người đóng vai Julenissen- ông già Noel, đến tặng quà cho các em bé trong gia đình để mang đến niềm vui đặc trưng mỗi mùa Giáng sinh cho các thiên thần nhỏ của mình.  

Niềm vui của em bé Na Uy khi được Julenisse tặng quà. Ảnh: Nguyễn Thủy- TechBiz.network

Romjulen

Romjulen là thời điểm giữa đêm Noel và đêm giao thừa. Cũng giống như tục lệ đi chúc Tết của người Việt, người Na Uy thường dành thời gian đi thăm hỏi họ hàng, bạn bè thân thiết và cùng nhau trò chuyện, ăn những bữa cơm ấm cúng. Với nhiều người, đặc biệt là những gia đình chọn đón năm mới ở các khu nhà nghỉ trên núi (hytte) thì đây là dịp để họ cùng các thành viên trong nhà và bạn bè đi trượt tuyết trên núi. Từ 25-27, các hàng quán sẽ đóng cửa nên khi chúng mở cửa lại vào ngày 27, nhiều người tranh thủ mua thêm đồ dự trữ cho dịp đón năm mới hoặc đổi các món quà được tặng dịp Giáng sinh mà mình không thích hoặc thấy không phù hợp.

Ngoài ra, trong dịp này, ở nhiều nơi người ta sẽ đeo mặt nạ và phục trang thành Julebukker- chú dê Giáng sinh, đi gõ cửa từng nhà hàng xóm để chủ nhà đoán danh tính. Còn có phiên bản khác là các Julebukker sẽ hát các bài hát Giáng sinh để nhận kẹo thưởng. Ngày nay, Julebukker không còn phổ biến nhưng các con dê Giáng sinh (thường được tết bằng rơm) lại trở thành vật trang trí khá được ưa chuộng ở nhiều cửa hàng, và trên cây thông Noel ở nhiều gia đình, đặc biệt là ở nhiều vùng nông thôn tại Na Uy.

Hy vọng là với bài viết nhỏ này, TechBiz team đã phần nào giúp các bạn hiểu thêm về phong tục đón Giáng sinh ở một nước Bắc Âu với nhiều nét văn hóa truyền thống vô cùng thú vị và khác biệt. Nếu bạn muốn cộng tác cùng TechBiz hoặc muốn chia sẻ về những nét văn hóa thú vị ở đất nước mình đang sống, hãy liên hệ gửi bài cho chúng tôi bất cứ lúc nào.

Phong Đoàn và Nguyễn Thủy viết và tổng hợp


[1] https://www.dagsavisen.no/kultur/2012/05/21/norge-omsider-et-sekulaert-land/

[2] https://www.lifeinnorway.net/aquavit/